VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

VIỆN ĐỊA CHẤT

Phòng Thạch luận và sinh khoáng

1. Chức năng, nhiệm vụ

- Nghiên cứu về thạch luận và sinh khoáng nội sinh;

- Nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học đánh giá khả năng khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản;

- Nghiên cứu và phát triển công nghệ chế biến khoáng sản.

2. Nhân sự

2.1. Lãnh đạo đơn vị

Trưởng phòng: PGS. TS. NCVCC. Trần Tuấn Anh

Mobile: 0982-232-685

Email: trantuananh@vast.vn

Phó trưởng phòng: TS. NCVC. Phạm Ngọc Cẩn

Mobile: 0869-208-187

Email: pncan@igsvn.vast.vn

2.2. Cán bộ nghiên cứu

+ NCS. ThS. NCV. Vũ Hoàng Ly

+ NCS. ThS. NCV. Ngô Thị Hường

+ ThS. NCV. Trần Quốc Công

+ ThS. NCV. Phạm Thị Phương Liên

2.3. Cộng tác viên khoa học

+ PGS. TSKH. Trần Trọng Hòa

+ TS. Ngô Thị Phượng

+ TS. Bùi Ấn Niên

+ TS. Bùi Thị Sinh Vương

Thực địa cùng các chuyên gia Nga tại mỏ wonfram Núi Pháo, Thái Nguyên (2018)

Thực địa cùng các chuyên gia Nga tại mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng (2018)

Phòng TLSK chụp ảnh kỷ niệm cùng GS. Nguyễn Trọng Yêm (2020)

 

Phòng TLSK đi du xuân tại Côn Sơn - Kiếp Bạc (2010)

3. Những kết quả nghiên cứu chính

3.1. Các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ

3.1.1. Nghiên cứu thành phần đi kèm trong các kiểu tụ khoáng kim loại cơ bản và kim loại quý hiếm có triển vọng ở miền Bắc Việt Nam nằm nâng cao hiệu quả khai thác chế biến khoáng sản và bảo bệ môi trường, mã số KC.08.24/06-10

+ Thuộc Chương trình: Khoa học và công nghệ phục vụ phòng trách thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên hiên, mã số KC.08/06-10

+ Chủ nhiệm: PGS. TS. Trần Tuấn Anh

+ Thời gian thực hiện: 2008 - 2010

+ Mục tiêu:

- Đánh giá được tiềm năng, triển vọng và khả năng thu hồi các thành phần đi kèm có ích trong các tụ khoáng kim loại cơ bản và kim loại quý hiếm ở miền Bắc Việt Nam.

- Đề xuất các giải pháp công nghệ tuyển - luyện quặng thích hợp, có triển vọng ứng dụng vào thực tiễn khai thác các mỏ kim loại cơ bản và kim loại quý hiếm ở Việt Nam.

- Xác lập cơ sở khoa học cho việc định hướng sử dụng tổng hợp nguồn nguyên liệu khoáng, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác khoáng sản kim loại ở Việt Nam.

+ Kết quả đạt được: Đề tài đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm thành phần khoáng vật, đặc điểm thành phần hóa học của các khoáng vật quặng, đặc điểm địa hóa quặng các tụ khoáng Pb-Zn trong đá carbonat - lục nguyên (Khu vực Chợ Đồn: Nà Bốp, Pù Sáp, Nà Tùm, Ba Bồ, Lũng Váng; Khu vực Chợ Điền: Bình Chai, Po Pen, Lũng Hoài, Đèo An, Mán Source; Khu vực Lang Hích: Mỏ Ba, Mê Tich, Bắc Lâu khu vực Lang Hích); các tụ khoáng Pb-Zn trong đá trầm tích - núi lửa (Na Sơn, Tà Pan); Các tụ khoáng Cu-Fe-Au-REE (mỏ Sin Quyền, Lũng Pô và Tả Phời) nhằm xác lập các hợp phần đi kèm và dạng tồn tại của chúng qua đó xây dựng quy trình thu hồi Cu, Zn, Cd và In từ quặng Pb-Zn và Cu, Au, Ag, đất hiếm từ quặng Cu.

Quặng Pb-Zn Chợ Đồn

Quặng đất hiếm mỏ Sin Quyền

Ảnh chụp mẫu mài láng quặng Pb-Zn chợ Đồn

Ảnh chụp mẫu lát mỏng quặng đất hiếm mỏ Sin Quyền

In kim loại thu hồi được từ quặng Pb-Zn chợ Đồn

Tổng oxit đất hiếm thu hồi từ quặng Cu mỏ Sin Quyền

3.1.2. Nghiên cứu nguồn gốc, điều kiện thành tạo một số hệ Magma - Quặng có triển vọng về Pt, Ti-V, Au ở Việt Nam

+ Thuộc Chương trình: Nhiệm vụ Hợp tác Quốc tế theo Nghị định thư

+ Chủ nhiệm: PGS. TSKH. Trần Trọng Hòa

+ Thời gian thực hiện: 2007-2010

+ Mục tiêu:

- Mục tiêu hợp tác:

Thông qua việc hợp tác, trao đổi khoa học, đào tạo và nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ.

Tiến hành những nghiên cứu sâu bằng các phương pháp phân tích hiện đại, có độ tin cậy cao mà ở nước ta chưa có điều kiện thực hiện.

- Mục tiêu nghiên cứu khoa học

Xác lập được các yếu tố nguồn gốc-địa chất và hoá - lý quyết định sự hình thành các hệ magma-quặng có triển vọng về Au, Pt, Ti-V trong các bối cảnh địa động lực khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam.

Xác lập các hệ magma-quặng (HMQ) có mức độ triển vọng khác nhau làm cơ sở khoa học cho công tác tìm kiếm-thăm dò có hiệu quả cao và kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài.

+ Kết quả đạt được: Kết quả nghiên cứu tiền đề đánh giá triển vọng và khoanh định các đối tượng triển vọng về Cu-Ni-PGE liên quan tới các xâm nhập mafic - siêu mafic cấu trúc Sông Hiến, Fe-Ti-V liên quan tới các xâm nhập mafic - siêu mafic cấu trúc Lô Gâm - Phú Ngữ và Au(CuMo) porphyry đai sinh khoáng Pô Kô - Sa Thầy là những định hướng rõ rệt cho công tác điều tra (tìm kiếm và thăm dò) về các loại hình quặng hóa này ở Việt Nam. Ngoài ra, với các tiền đề đã được xác lập, có thể triển khai công tác nghiên cứu, điều tra phát hiện các biểu hiện quặng hóa mới trên các địa bàn có bối cảnh địa chất tương tự, mở rộng nguồn tài nguyên quý hiếm của đất nước. Các kết quả phân tích mới có chất lượng cao về tuổi đồng vị, đặc điểm địa hóa khoáng vật của đá magma và quặng hóa là những tài liệu rất có giá trị, góp phần làm chính xác hóa thêm các vấn đề về hoạt động magma, địa động lực và sinh khoáng lãnh thổ Việt Nam.

Các ly tụ sulfide trong plagiolherzolit phần phía bắc khối Suối Củn

Biểu hiện khoáng hóa sulfur nhiệt dịch trong plagiolherzolit khối Suối Củn

3.1.3. Nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng tổng hợp một số khoáng sản quan trọng và vị thế của chúng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên, mã số TN3/T05

+ Thuộc Chương trình: Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên 3), mã số KHCN-TN3/11-15

+ Chủ nhiệm: PGS. TS. Trần Tuấn Anh

+ Thời gian thực hiện: 2011 - 2015

+ Mục tiêu:

- Làm rõ cơ sở tài nguyên và vị thế của khoáng sản khu vực Tây Nguyên;

- Đánh giá khả năng sử dụng tổng hợp và hợp lý khoáng sản Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững;

- Đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược cho việc khai thác sử dụng khoáng sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên.

+ Kết quả đạt được:

- Bộ dữ liệu về khoáng sản Tây Nguyên. Các bản đồ phân bố khoáng sản toàn vùng Tây Nguyên tỷ lệ 1:200.000 và cho các tỉnh tỷ lệ 1:100.000.

- Bản đồ dự báo triển vọng của 4 nhóm khoáng sản: kim loại, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng, đá quý-bán quý và đá mỹ nghệ.

- Đánh giá được hiện trạng tài nguyên, giá trị tổng hợp, tình hình khai thác, khả năng khai thác, sử dụng tổng hợp của một số loại hình khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản quan trọng.

- Đánh giá tác động từ hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản tới phát triển KT-XH, môi trường và an ninh quốc phòng từ đó đề xuất các giải pháp chiến lược khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản khu vực Tây Nguyên.

+ Một số hình ảnh:

Bản đồ triển vọng khoáng sản kim loại khu vực Tây Nguyên (thu nhỏ từ tỷ lệ 1:250.000)

3.1.4. Nghiên cứu đánh giá loại hình vàng hạt mịn và siêu mịn trong các kiểu quặng hóa khác nhau khu vực Đông Bắc Việt Nam và đề xuất giải pháp công nghệ thu hồi thích hợp không gây ô nhiễm môi trường, mã số KC.08.14/11-15

+ Thuộc Chương trình: Khoa học và Công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, mã số KC.08/11-15

+ Chủ nhiệm: PGS. TSKH. Trần Trọng Hòa

+ Thời gian thực hiện: 2011 - 2015

+ Mục tiêu:

- Làm sáng tỏ các đặc điểm của quặng hóa vàng hạt mịn khu vực Đông Bắc Việt Nam;

- Xác lập các chỉ tiêu về triển vọng thực tế của loại hình vàng hạt mịn khu vực Đông Bắc Việt Nam;

- Đề xuất được các giải pháp công nghệ thu hồi vàng hạt mịn có thể ứng dụng vào thực tiễn khai thác và chế biến khoáng sản ở Việt Nam, có hiệu quả cao và không gây ô nhiễm môi trường.

+ Kết quả đạt được:

- Lần đầu tiên xác lập được hai kiểu quặng hóa vàng - sulfur có triển vọng lớn ở ĐBVN là kiểu Au-As-(Sb) trong trầm tích (sedimentary-hosted) và kiểu Au-As-Sb liên quan với xâm nhập (intrusion-related);

- Lần đầu tiên thu được tương đối đầy đủ các tài liệu về địa chất, thành phần khoáng vật, đặc điểm địa hóa-đồng vị và tuổi đồng vị quặng cho phép xây dựng các mô hình nguồn gốc thành tạo các kiểu quặng hóa vàng-sulfide khác nhau trong đới Sông Hiến và Lô Gâm và các chỉ tiêu đánh giá triển vọng của chúng.   

- Đã tiến hành phân vùng sinh khoáng, phân vùng các diện tích có mức độ triển vọng khác nhau (rất triển vọng và có triển vọng) đối với các kiểu quặng hóa vàng-sulfide trong trầm tích và vàng-sulfide liên quan với xâm nhập.

- Trên cơ sở các kết quả thí nghiệm tách chiết thu hồi vàng (và As, Sb đi kèm) đã xây dựng được hai quy trình công nghệ tách chiết hợp lý cho hai kiểu quặng hóa là vàng -pyrit-(arsenopyrit) trong đá phiến đen và vàng - pyrit-arsenopyrit-stibnit trong xâm nhập bazo với hai quá trình tiền xử lý quặng khác nhau là (i) thiêu kết sulfide và (ii) oxy hóa bằng vi sinh với kết quả tích cực, mở ra triển vọng rõ rệt cho việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ để ứng dụng thực tiễn khai thác chế biến quặng thu hồi vàng hạt mịn, đặc biệt là vàng phân tán trong các khoáng vật sulfide.

+ Một số hình ảnh:

Các mạch thạch anh xen theo lớp đá phiến bị vò nhàu uốn nếp mỏ Khùng Khoàng, tỉnh Cao Bằng

Tinh thể arsenopyrit kích thước lớn với các bao thể khoáng vật pyrit, chalcopyrit và vàng tự sinh. Mẫu KC14-3, đới Nà Phai 2, tụ khoáng vàng Bó Va, tỉnh Bắc Kạn

3.1.5. Nghiên cứu xây dựng mô hình thành tạo quặng nội sinh Cu-Ni-PGE và Fe-Ti-V ở địa khu Đông Bắc Việt Nam, mã số HNQT/SPĐP/06.17

+ Thuộc Chương trình: Hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020

+ Chủ nhiệm: PGS. TS. Trần Tuấn Anh

+ Thời gian thực hiện: 2017 - 2020

+ Mục tiêu:

- Xây dựng mô hình nguồn gốc thành tạo quặng nội sinh Cu-Ni-PGE và Fe-Ti-V ở địa khu Đông Bắc Việt Nam.

- Thành lập sơ đồ phân vùng triển vọng khoáng sản Cu-Ni-PGE và Fe-Ti-V tỉ lệ 1/250.000 địa khu Đông Bắc Việt Nam và chi tiết hóa ở một số vùng có triển vọng.

+ Kết quả đạt được:

- Đã tạo được bộ số liệu mới, có độ chính xác và độ tin cậy cao với số lượng lớn, là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu xác lập các đặc điểm quặng hóa và đánh giá triển vọng của Ni-Cu-PGE và Fe-Ti-V trong các cấu trúc Sông Hiến và Lô Gâm;

- Xác định nguồn gốc và thành phần magma ban đầu, điều kiện hình thành các xâm nhập có triển vọng về Cu-Ni-PGE và Fe-Ti-V;

- Xác lập được các mức tuổi thành tạo các xâm nhập siêu mafic – mafic phức hệ Cao bằng và Núi Chúa trong các cấu trúc địa chất của địa khu ĐBVN;

- Xây dựng các mô hình thạch luận - nguồn gốc tích hợp thành tạo các tụ khoáng Cu-Ni-PGE và Fe-Ti-V trong các cấu trúc Sông Hiến và Lô Gâm;

- Thành lập 02 sơ đồ các diện tích có triển vọng Cu-Ni-PGE và Fe-Ti-V tỷ lệ 1: 250.000 cho đới Sông Hiến và Lô Gâm; 03 sơ đồ triển vọng Ni-Cu-PGE tỷ lệ 1:25.000 và 02 sơ đồ triển vọng Fe-Ti-V tỷ lệ 1:25.000 cho các đối tượng triển vọng nhất làm cơ sở cho việc đề xuất các dự án tìm kiếm và thăm dò khoáng sản. Ngoài ra, đã xây dựng 02 sơ đồ cấu trúc trường quặng tỷ lệ 1:10.000 cho khu vực Sơn Đầu và tây Núi Chúa (Ti-V).

+ Một số hình ảnh:

Hình ảnh các khoáng vật chứa Au, Ag, Pd trong lherzolit Khuổi Khoang: sp - sphalerit; cpy  -chalcopyrit; Ag-pent - argentopentlandit; mag - magnetite; po - pyrotin

Mô hình nguyên lý thành tạo khoáng hóa Ni-Cu-PGE khối Suối Củn

3.1.6. Nghiên cứu thạch luận nguồn gốc của các granitoid Permi-Trias Tây Bắc Việt Nam nhằm tái lập các mô hình địa động lực khu vực. Mã số: KHCBTĐ.01/18-20

+ Thuộc Chương trình: Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hoá học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025

+ Chủ nhiệm: PGS. TS. Trần Tuấn Anh

+ Thời gian thực hiện: 2018 - 2020

+ Mục tiêu:

- Nâng cao một bước trình độ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (ThS, TS) để phát triển hướng nghiên cứu thạch luận magma ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của thế giới;

- Cung cấp các tư liệu mới, có chất lượng cao về địa hóa, đồng vị, tuổi đồng vị của các granitoid Permi-Trias khu vực Tây Bắc Việt Nam trên cơ sở các phân tích hiện đại và tiên tiến;

- Làm sáng tỏ lịch sử hình thành và tiến hóa vỏ trái đất Tây Bắc Việt Nam giai đoạn Permi-Trias trong bình đồ kiến tạo Tây Nam địa khu liên hợp Việt - Trung.

+ Kết quả đạt được:

- Đã thu được một bộ số liệu phân tích mới có chất lượng cao về thành phần khoáng vật, địa hóa, đồng vị (Sr, Nd, Hf) và tuổi thành tạo (U-Pb, zircon, LA-ICP-MS và CA-ID-TIMS) của granitoids khu vực Tây Bắc VN.

- Với các kết quả phân tích mới về thành phần khoáng vật, địa hóa và đồng vị đã phân chia các kiểu địa hóa granite, theo đó, các khối Nậm Meng, Nậm Rốm và Sông Mã thuộc thuộc kiểu I-granit, các khối Pu Si Lung, Kim Bôi, Mường Lát, Sầm Sơn thuộc kiểu S-granit.

- Đề xuất mới mô hình trộn lẫn magma hai giai đoạn hình thành các granitoids kiểu I- và kiểu S-granite Permi - Trias khu vực TBVN, theo đó, các các granitoids kiểu I-granite giai đoạn I (290-270 Tr.n.) được hình thành từ magma có nguồn gốc trộn lẫn giữa magma mafic (gabbro) và magma felsic; granitoids giai đoạn II được hình thành từ magma do sự trộn lẫn giữa magma felsic giai đoạn I và magma felsic ít phóng xạ có nguồn gốc từ lớp vỏ Paleoproterozoic và sự kết hợp của đá trầm tích.

- Các tài liệu nghiên cứu bổ sung về tuổi thành tạo của granitoids khối Nậm Rốm và Sông Mã (242-229 tr.n.) đã góp phần khẳng định vị trí sau va chạm của chúng trong lịch sử tiến hóa kiến tạo phân đoạn bắc của đai uốn nếp Trường Sơn.

- Kết quả nghiên cứu mới về chính xác hóa tuổi thành tạo của granitoids và rhyolit (257-256 Tr.n.) kiềm đới Phan Si Pan - Tú Lệ đã làm rõ hơn khoảng thời gian hoạt động magma felsic kiềm liên quan đến plume manti ở TBVN; góp phần tái lập điều kiện cổ địa lý của đới Phan Si Pan và rift Tú Lệ trong Permi- Trias, cũng như góp phần luận giải điều kiện cổ địa lý của sự kiện tuyệt diệt Permi trong khu vực ĐNA.

+ Một số hình ảnh:

Biểu đồ tương quan 87Sr/86Sr(i) - eNd(t) của các grantoids Permi - Trias khu vực Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào.

Mô hình thành tạo magma granitoid khối Nậm Rốm và Sông Mã

3.1.7. Nghiên cứu, áp dụng các phương pháp công nghệ thu hồi vàng bằng vi sinh và hóa học cho các quặng sulfide - Au, quặng thiếc chứa Au, quặng thiếc - wolfram chứa Au và quặng antimon chứa Au nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường trong khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên, mã số TN18/C11

+ Thuộc Chương trình: Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế, Mã số: KHCN-TN/16-20

+ Chủ nhiệm: TS. Phạm Ngọc Cẩn

+ Thời gian thực hiện: 2018 - 2021

+ Mục tiêu:

- Xây dựng, hoàn thiện quy trình công nghệ và ứng dụng thành công công nghệ quy mô pilot sử dụng vi sinh và hóa học xử lý quặng và tách chiết thu hồi Au từ các loại quặng sulfide-Au và quặng thiếc chứa Au, wolfram-thiếc chứa Au và antimon chứa Au đối với một số kiểu quặng vàng nhất định.

- Đề xuất các giải pháp công nghệ ứng dụng vi sinh và hóa học vào thực tiễn khai thác và chế biến đối với một số kiểu quặng vàng nhất định trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa tiết kiệm và bảo vệ tài tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

+ Kết quả đạt được:

- Đã xác định được dạng tồn tại của vàng: trong quặng Au-sulfide (mỏ Đak Blo và Tà Năng) chủ yếu dưới dạng vàng tự sinh kích thước nhỏ và cực nhỏ xâm tán trong khoáng vật quặng và các khe nứt của chúng; trong quặng antiomon mỏ Cư Jút vàng liên quan tới cấu trúc tinh thể arsenopyrit và pyrit; trong quặng thiếc Núi Cao chưa phát hiện được dạng tồn tại của vàng.

- Đã phân lập được 99 chủng vi sinh vật (bản địa) từ 4 mỏ là đối tượng nghiên cứu. Từ các chủng trên đã tuyển chọn được 22 chủng để đưa vào thử nghiệm. Kết quả cuối cùng lựa chọn được 03 chủng thích hợp cho xử lý quặng Au - sulfide, thiếc-wolfram chứa Au, antimon chứa Au.

- Đã xây dựng được và thử nghiệm các quy trình xử lý cho các loại quặng và thử nghiệm quy mô pilot cho kiểu quặng Au-sulfide (Au-As). 

- Công nghệ xử lý quặng sulfur bằng vi sinh bước đầu khẳng định triển vọng ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn khai thác và chế biến quặng kim loại, không những cho quặng giàu và tinh quặng mà cho tận thu quặng nghèo và quặng đuôi.

+ Một số hình ảnh:

Ảnh chụp mẫu mài láng dưới kính hiển vi phân cực (A và B) và kính hiển vi điện tử (C và D) một số hạt vàng hạt mịn và hạt vừa mỏ Tà Năng

Ảnh chụp mẫu mài láng dưới kính hiển vi phân cực (A và B) và kính hiển vi điện tử (C và D) một số hạt vàng hạt mịn và bitmutit mỏ Đắk Blo

Các chủng vi sinh được tuyển chọn có khả năng xử lý quặng

3.2. Các công trình công bố, xuất bản

+ Chủ trì biên soạn 05 sách chuyên khảo, trong đó, có 01 sách chuyên khảo được do NXB quốc tế uy tín. Tham gia biên soạn 05 sách chuyên khảo.

+ Công bố và tham gia công bố hơn 120 bài báo khoa học, trong đó, có hơn 30 bài trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

4. Đào tạo - Hợp tác quốc tế

4.1. Đào tạo

+ Tiến sĩ khoa học: 02 (LB Nga)

+ Tiến sĩ: 12 (05 LB Nga; 01 Ba Lan; 01 CH Áo; 01 Nhật Bản; 02 Đài Loan; 02 trong nước)

+ NCS: 05 (02 LB Nga; 03 trong nước)

+ Thạc sĩ: 09 (02 Nhật Bản; 07 trong nước)

+ Cử nhân: > 15

4.2. Hợp tác quốc tế

- Viện Địa chất và Khoáng vật học (mang tên Sobolev), Phân viện Siberi, Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IGM SB-RAS; https://www.igm.nsc.ru/)

- GS. VS. Nokolay A. Goryachev, Viện Nghiên cứu Liên ngành Đông Bắc (mang tên Shilo), Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga (NEISRI FEB-RAS; http://www.neisri.ru/)

- Khoa Các Khoa học Trái đất, Đại học Sư phạm Đài Loan (NTNU; https://www.es.ntnu.edu.tw/index.php/en/index_en/about-2/)

- Khoa Các Khoa học Trái đất, Đại học Tổng hợp Đài Loan (NTU; http://eng.gl.ntu.edu.tw/index.php)

- Viện Các Khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan (https://www.earth.sinica.edu.tw/en)

- Đại học Akita, Nhật Bản (https://www.akita-u.ac.jp/eng/)

- Đại học Hokkaido, Nhật Bản (https://www.global.hokudai.ac.jp/)

- GS. VS. Alexander V. Sobolev, Đại học Grenoble Alpes, CH Pháp (UGA; https://www.isterre.fr/identite_id140431.html)

Các cán bộ Phòng TLSK đi công tác tại IGM SB-RAS (2018)

Khảo sát thực địa cùng các chuyên gia IGM SB-RAS tại Cao Bằng (2018)

Khảo sát thực địa cùng GS. VS. Nikolay Goryachev tại Quảng Bình (2024)

Khảo sát thực địa cùng GS. VS. Alexander Solovev (UGA) tại Sơn La (2022)

Khảo sát thực địa cùng GS. Shellnutt (NTNU) tại Hòa Bình (2018)

Khảo sát thực địa cùng đoàn công tác NTNU tại Lạng Sơn (2009)

Làm việc với công tác của GS. Daizo Ishiyama (ĐH Akita) tại Viện Địa chất (2012)

Khảo sát thực địa cùng TS. Ippei Kitano (ĐH Hokkaido) tại Quảng Nam (2024)

 

 

 
Vui lòng đợi...