VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

VIỆN ĐỊA CHẤT

PHÁT HIỆN MỚI DI TÍCH KHẢO CỔ TIỀN SỬ KHU VỰC PHONG NHA – KẺ BÀNG (VIỆT NAM) VÀ HIN NẬM NÔ (CHDCND LÀO)

PHÁT HIỆN MỚI DI TÍCH KHẢO CỔ TIỀN SỬ KHU VỰC PHONG  NHA –

KẺ BÀNG (VIỆT NAM) VÀ HIN NẬM NÔ (CHDCND LÀO)

Trong khuôn khổ triển khai nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia Nghiên cứu xác định giá trị về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học phục vụ xây dựng hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới (Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng – Việt Nam và Khu bảo tồn quốc gia Hin Nậm Nô – CHDCND Lào”, mã số ĐTĐLCN.10/21, do Viện Địa chất - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam là cơ quan chủ trì và TS. Mai Thành Tân làm chủ nhiệm, đoàn cán bộ khoa học liên ngành đã tiến hành các đợt khảo sát thực địa và thu được nhiều kết quả về di sản địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học. Đặc biệt, đề tài còn có nhiều phát hiện mới về khảo cổ tiền sử rất có giá trị ở cả hai khu vực Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (VQG PNKB) và Khu Bảo tồn quốc gia Hin Nậm Nô, nay là Vườn quốc gia Hin Nậm Nô (VQG HNN). Những phát hiện mới này đã được tổ thẩm định gồm các chuyên gia khảo cổ hàng đầu của Việt Nam đánh giá cao về tính xác thực, có giá trị khoa học và thực tiễn mang tầm khu vực.

Tại VQG PNKB của Việt Nam, đoàn đã phát hiện được 4 điểm khảo cổ liên quan đến các hang động và thềm sông suối cổ, thuộc huyện Bố Trạch và Minh Hóa (Hang Mộ Vò, sân bay Khe Gát, gần hang Nước Nứt và hang Ỏn). Các hiện vật được sưu tầm gồm chày, rìu ngắn, công cụ ghè đẽo, mảnh tước, mảnh gốm… và ảnh tư liệu về di cốt. Những phát hiện mới này đã gợi mở về sự xuất hiện của người tiền sử vào thời kỳ Đá mới và có thể sớm hơn (hậu kỳ Đá cũ), kiểu cư trú dưới các mái đá, táng tục mộ chum mang nét tương đồng với văn hóa Sa Huỳnh… lần đầu tiên được phát hiện ở VQG PNKB. Đây là nguồn tư liệu quan trọng về khảo cổ tiền sử, bổ sung vào cơ sở dữ liệu về di sản cũng như các loại hình di tích mới của VQG PNKB nói riêng, tỉnh Quảng Bình và khu vực miền Trung Việt Nam nói chung.

Trong phạm vi VQG HNN thuộc CHDCND Lào, đoàn công tác đã phát hiện 18 điểm và cụm điểm khảo cổ tiền sử phân bố trên các thềm lòng sông suối cổ, trong hang động karst ven hồ nước (phễu karst). Trong số đó, tiêu biểu nhất là di tích công xưởng Đá mới nằm trên thềm cổ của sông Xe Bangfai, các di tích trong hang động karst ở các bản Noong Ma, bản Dou và  bản Noong Seng. Các hiện vật sưu tầm được rất phong phú, đa dạng, bao gồm rìu tứ giác, rìu bầu dục, rìu có vai, phác vật rìu, bàn mài, hòn mài, chày, hòn ghè, mảnh tước, phiến tước, tinh thể thạch anh, gốm tiền sử… Tuy chưa có điều kiện tiến hành nghiên cứu chi tiết, chuyên sâu về khảo cổ học nhưng trên cơ sở nghiên cứu bước đầu cho thấy di tích tiền sử ở khu vực VQG HNN có tính liên tục, xuyên suốt từ hậu kỳ Đá cũ → Đá mới → sơ kỳ Kim khí. Đây là những thông tin quan trọng bổ sung nhận thức về khảo cổ tiền sử, lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Hin Nậm Nô và miền Trung Lào.

Những phát hiện mới về khảo cổ của đề tài ĐTĐLCN.10/21 là những bằng chứng khoa học xác thực và giá trị, minh chứng cho tính thống nhất, liên vùng, sự tương đồng về bối cảnh/ không gian địa văn hóa và sự giao lưu văn hóa tiền sử giữa hai khu vực VQG PNKB và VQG HNN, cũng như sự thích ứng của cư dân tiền sử với môi trường tự nhiên. Đặc biệt, những phát hiện mới về di tích tiền sử ở VQG HNN rất có giá trị, góp phần xóa được “vùng trắng” về khảo cổ học ở khu vực này nói riêng và cho cả vùng Trung Lào nói chung. Các di tích tiền sử mới được phát hiện trong mối liên quan, gắn bó chặt chẽ với quần thể di sản địa chất – địa mạo và đa dạng sinh học đã góp phần bổ sung và làm tăng giá trị nổi bật về di sản của VQG PNKB và VQG HNN. Do vậy, chúng rất cần được đầu tư nghiên cứu chuyên sâu theo hướng nghiên cứu liên ngành địa chất - địa văn hóa/khảo cổ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực xuyên biên giới Việt Nam - Lào. 

Một số hình ảnh:

Khảo sát, phát hiện di tích khảo cổ tiền sử trong hang taị VQG Hin Nậm Nô (CHDCND Lào). Ảnh: Lương Thị Tuất.

Tổ thẩm định họp đánh giá những phát hiện mới về khảo cổ tại Viện Địa chất.

Các chuyên gia đang xem xét, thẩm định sưu tập mẫu vật khảo cổ.

Mẫu vật rìu có vai sưu tập được tại VQG Hin Nậm Nô (CHDCND Lào)

Ảnh: La Thế Phúc.

Mẫu vật gốm tiền sử sưu tập được trong hang tại VQG Hin Nậm Nô.

 (CHDCND Lào). Ảnh: Lương Thị Tuất.

Nguồn tin: Đề tài ĐTĐLCN.10/21.

 

Tin tức khác

 
Vui lòng đợi...