VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

VIỆN ĐỊA CHẤT

Hội diễn văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Hàn lâm KHCNVN (1975-2025) (khu vực phía Bắc)

Ngày 15-16/8/2024, Chương trình hội diễn văn nghệ quần chúng (khu vực phía Bắc) do Công đoàn Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ IX và kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tham gia Hội diễn, Viện Địa chất đóng góp 5 tiết mục gồm đồng ca, múa, đọc thơ, song ca với chủ đề “Bài ca Hồ Chí Minh” ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt có tiết mục múa, đọc thơ diễn tả công việc khó khăn, vất vả và những đóng góp trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước của các nhà Địa chất.

Hội diễn văn nghệ là hoạt động sinh hoạt văn hóa quần chúng rộng rãi nhằm động viên, khích lệ các cán bộ, viên chức và người lao động thi đua, đoàn kết phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; phát huy tiềm năng nghệ thuật quần chúng của các công đoàn viên; tạo ra sân chơi bổ ích góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động…

Phần biểu diễn với chủ đề “Bài ca Hồ Chí Minh” của Viện Địa chất bắt đầu với tác phẩm “Một đời người một rừng cây” - Tác giả: Trần Long Ẩn. Đây là một bài ca về nhân cách sống, phản ánh cuộc sống chân thực và tôn vinh tinh thần đồng lòng, tương thân tương ái. Giai điệu nhẹ nhàng, lời bài hát da diết như một lời nói chân thực và đau đớn. Nó dội vào lương tâm người nghe, bắt những người có lương tâm và ý thức sống phải trả lời câu hỏi về lẽ sống.

Bài thơ “Vào địa chất” - Tác giả: Nguyễn Văn Bỉnh đã lột tả chân thực những gian lao, vất vả của “nghề địa chất” trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Vào địa chất những người chí không nản. Trong khó khăn, trong lửa đạn không sờn, bao vất vả đều chịu nhận phần hơn. Lúc dưới biển, lúc đỉnh núi chơi vơi, từ Đất Mũi đến vùng trời xứ Lạng. Vào địa chất người đâu cũng là bạn, từ đồng bằng cho đến mạn sơn khê, đâu đâu cũng là một cõi đi về, toàn đất nước đâu cũng quê hương cả!

Theo mạch cảm xúc về con người địa chất là Vũ điệu của người địa chất “Bài ca cao nguyên đá” là hành trình tìm, giữ nước ở nơi cao nguyên đá. Hình ảnh người địa chất với ba lô trên vai, tay bản đồ tay búa băng đèo, vượt núi cao đi tìm nơi khe nước nhỏ, xây những chiếc “hồ treo”, giữ lại mầm sống nơi miền cao, được kể bằng vũ điệu hào hùng của chính những con người địa chất -  người đã tìm ra giải pháp “hồ treo” trên cao nguyên đá.

“Đất nước tình yêu” với ngôn từ giản dị, giàu chất thơ và mạch cảm xúc tuôn trào từ một tâm hồn thiết tha với Tổ Quốc, thấm nỗi đau gian lao đất nước và cảm nhận sâu sắc những giá trị nhân văn Việt Nam.

Kết thúc chương trình với “Bài ca Hồ Chí Minh” - giai điệu còn mãi với thời gian ca ngợi Hồ Chí Minh và sâu xa là ca ngợi đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam anh hùng.

Hội diễn kết thúc thành công tốt đẹp, Viện Địa chất xuất sắc đạt giải ba toàn đoàn với các giải thưởng: Giải ba múa độc lập “Bài ca cao nguyên đá”; Giải khuyên khích: “Bài ca Hồ Chí Minh”; Giải khuyến khích đọc thơ “Vào địa chất”.

Một số hình ảnh các bài biểu diễn của Viện Địa chất tham gia Hội diễn:

Tốp ca nam nữ, múa phụ họa tác phẩm “Một đời người một rừng cây”
- Tác giả: Trần Long Ẩn

Tiết mục song ca “Đất nước tình yêu” - Tác giả: Trần Lệ Giang

Trình bày: Thanh Đăng - Hồng Trang

Múa độc lập “Bài ca cao nguyên đá” - Tác giả: NSƯT Phan Lương - NSƯT Kiều Mỹ

Đồng ca, múa phụ họa “Bài ca Hồ Chí Minh” - Tác giả: Ewan MacColl

lời việt nhạc sỹ Phú Ân

Tập thể lãnh đạo, cán bộ viện tham dự hội diễn

Nguồn tin: TS. Nguyễn Minh Quảng, Viện Địa chất

Xử lý tin: Bùi Văn Quỳnh

Tin tức khác

 
Vui lòng đợi...